‘Thị trấn ma’ lần đầu đón khách sau 46 năm
Ngày 8/10, lần đầu tiên sau 46 năm khách du lịch được phép quay trở lại khu nghỉ mát bị bỏ hoang ở Varosha, một quận bị chia cắt thuộc thành phố cổ Famagusta trên đảo Cyprus. Hàng trăm du khách đổ xô đến bãi biển, lấp đầy các nhà hàng và quán cà phê mục nát ở nơi từng có hơn 12.000 phòng khách sạn và 25.000 cư dân.
Ersin Tatar, thủ lĩnh phe ly khai tự nhận là Cộng hòa bắc Cyprus Thổ Nhĩ Kỳ (chỉ được Ankara công nhận), cho biết muốn hồi sinh Varosha, lấy lại vinh quang trước đây bằng cách mở cửa bãi biển dài 1,5 km. Động thái này gây ra các cuộc phản đối, biểu tình trên khắp đảo Cyprus. Phe đối lập với Bắc Cyprus và Thổ Nhĩ Kỳ là Cộng hòa Cyprus và Hy Lạp tức giận vì hành động này có nguy cơ làm thổi bùng xung đột, vốn được cho là nguyên nhiên khiến Varosha đột ngột bị bỏ hoang.
Tổng thống Cyprus Nicos Anastasiades khẳng định hành động mở cửa một phần resort “rõ ràng vi phạm luật pháp quốc tế và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc”.
Trong khi đó, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho biết: “Quyết định này rõ ràng vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Hy Lạp sẽ hỗ trợ Cộng hòa Cyprus trong các vấn đề liên quan”. Trước đây, Liên Hợp Quốc từng kêu gọi trao trả Varosha về lại cho người dân đảo Cyprus.
Trong những năm 1970, Varosha, quận nằm trên thành phố cổ Famagusta của đảo Cyprus, là một trong những khu nghỉ mát ven biển quyến rũ nhất Địa Trung Hải. Nó được ví như thiên đường du lịch cho những người giàu có và nổi tiếng khắp thế giới. Các ngôi sao hàng đầu như Elizabeth Taylor, Richard Burton, Sophia Loren và Brigitte Bardot từng đi nghỉ ở đó. Trên các bãi biển cát vàng hoàn hảo là trùng điệp các khách sạn hạng sang được mọc lên.
Năm 1974, Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược Cyprus. Một cuộc đụng đổ giữa hai phe xảy ra gần khu nghỉ mát, khiến 40.000 người hoảng loạn chạy về phía nam. Khi Varosha trống rỗng, quân Thổ Nhĩ Kỳ rào lại các khách sạn, nhà hàng, bãi biển. Từ đó thời gian như dừng lại tại Varosha, còn đảo Cyprus bị chia cắt thành hai nửa: miền bắc thuộc phe Thổ Nhĩ Kỳ và miền nam được Hy Lạp hậu thuẫn.
Từ một nơi đỉnh cao giải trí của giới thượng lưu, Varosha nhanh chóng trở thành một “thị trấn ma”, bị phong tỏa bởi hàng rào thép gai. Không ai được phép vào trong. Bãi cát vàng tuyệt đẹp năm xưa giờ không còn lộng lẫy, những khách sạn sang trọng với tầm nhìn ngoạn mục ra biển đã mục nát.
Với những người Cyprus gốc Hy Lạp, những người đã chạy trốn khỏi Varosha trong hoảng loạn năm 1974, tin tức mới về Varosha khơi lên những vết thương đau đớn trong họ. “Đó là một ngày khủng khiếp”, nhà sử học nghệ thuật Anna Marangou, 22 tuổi, nói.
Kyriakos Charalambides, người Cyprus gốc Hy Lạp và là người Varosha, nói với AP rằng cô cảm thấy khó chịu khi xem sự kiện này trên tivi. “Mặc dù đã mong đợi điều này, tôi vẫn rùng mình khi nhìn những địa điểm quen thuộc đó. Đó là một nỗi buồn không thể an ủi… Varosha đã mất”.
Bất chấp những nỗ lực ngoại giao, trong những năm gần đây Thổ Nhĩ Kỳ và Cyprus do Hy Lạp hậu thuẫn, đã không đạt được thỏa thuận chung về tương lai của Varosha. Những diễn biến mới nhất về động thái mở một phần bãi biển đón khách đã gây thêm căng thẳng cho mối quan hệ vốn đã phức tạp này. AFP đánh giá việc phát triển lại khu nghỉ dưỡng cũ có thể mất nhiều năm, vì liên quan đến vấn đề giải quyết tài sản cho những người đã chạy trốn khỏi Varosha năm đó.
Varosha không phải là khu vực duy nhất ở Cyprus trở thành thị trấn ma sau cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ. Sân bay quốc tế Nicosia, từng là sân bay chính duy nhất của hòn đảo, nằm giữa khu phi quân sự trong cuộc xung đột và bị bỏ hoang. Nó vẫn còn nguyên vẹn kể từ đó, với máy bay phản lực chở khách, bàn làm thủ tục và chỗ ngồi ở nhà ga. Tất cả đều đã mục nát.
Thị trấn ma giá 1,25 triệu USD
Anh Minh (Theo News)